Nội dung bài viết
Một mình xách ba lô lên và đi khám phá Đông Nam Á? Tại sao không?
Từ lâu mình đã có ước mơ được đặt chân lên tất cả mọi nơi trên thế giới thậm chí nếu có điều kiện mình còn muốn mỗi vài tháng đến nửa năm sống ở một nơi khác nhau. Về bản thân mình hiện tại 24 tuổi đã tốt nghiệp đại học 2 năm và cũng trải qua hai công việc fulltime khác nhau, tuy tài chính không dư dả nhưng một chuyến đi vòng quanh Đông Nam Á (ĐNA) đối với mình không quá khó để thực hiện.
Lý do quan trọng nhất mà mình lựa chọn khu vực này là việc nhập cảnh các nước trong khu vực khá dễ dàng vì hầu hết đều miễn visa cho người Việt. Văn hóa mỗi quốc gia có sự đặc sắc riêng lại tương đối gần VN, chi phí đi lại cũng không quá đắt đỏ nên mình đưa ra quyết định trong vòng một nốt nhạc.
Cảm xúc ban đầu của mình là cực kì háo hức, mình không chia sẻ điều này với ai cho đến khi bắt đầu lên đường. Chuyến đi này mình mong muốn sẽ gặp được nhiều người, lắng nghe được nhiều câu chuyện, nhìn ngắm được nhiều nơi, khám phá bản thân và ăn những món ăn mình chưa từng thử.
Dự định ban đầu là 6 tháng nhưng mình không chắc là chuyến đi này sẽ dài hơn hay ngắn hơn 6 tháng. Mình sẽ cập nhật liên tục về hành trình này theo thời gian thực. Mình lên đường ngày 22/6/2024 dự kiến sẽ quay lại Việt Nam trước Tết Nguyên Đán 2025.
Chuyến này mình sẽ đi một mình đơn giản vì mình nghĩ là sẽ không có ai đủ thời gian và đủ “điên” để đồng hành cùng mình trong khoảng thời gian dài như vậy, thứ nữa mình muốn xem bản thân mình lì đến mức nào, có thể tự xoay sở trong các tình huống khác nhau hay không. Mình thích ở một mình nên đi một mình cũng không thành vấn đề, chưa kể ở mỗi điểm đến mình được kết bạn với rất nhiều người.
Mình đã suy nghĩ về chuyến đi này từ 1 năm trước khi còn ở bên Philippines và thực sự chuẩn bị cho nó từ đầu năm nay-2024 sau khi về lại Việt Nam.

1. Kế hoạch
Hơn một năm trước, khi mới chớm có những suy nghĩ đầu tiên về chuyến đi này mình bắt đầu tìm đọc về những người đã từng có trải nghiệm tương tự ở Việt Nam nhưng không có nhiều lắm hoặc mọi người ít chia sẻ về nó.
Những chuyến đi gapyear thế này rất phổ biến ở nước ngoài nhưng tìm kiếm điều tương tự ở VN có vẻ hơi khó. Mình muốn đọc những trải nghiệm của người Việt vì mình muốn tham khảo mọi thứ dưới góc nhìn của người Việt đặc biệt với việc nhập cảnh bằng đường bộ.
Với tiêu chí con gái, đi một mình, tiết kiệm, không áp lực thời gian, đi để trải nghiệm liên tục trong thời gian tương đối dài thì mình chủ yếu chọn ở nhờ và làm tình nguyện, mình biết có chị Thanh Tâm đi vòng quanh ĐNA 8 tháng qua Workaway (đây là web kết nối host với tình nguyện viên mình sẽ chia sẻ chi tiết ở một bài viết khác). Nếu quan tâm các bạn có thể tham khảo các bài chia sẻ của chị này qua FB Nguyễn Thị Thanh Tâm.
Phần lớn mọi người đi du lịch theo kiểu nghỉ ngơi ngắn ngày nhiều hơn là khám phá và trải nghiệm văn hóa. Nhiều anh/chị cũng đi bụi kiểu tương tự nhưng đi những chặng ngắn 1-2 nơi. Mình tuy đi dài hơn nhưng vẫn tham khảo được nhiều qua từng chặng lẻ.
Trong danh sách những người hay đi và chia sẻ nhiều nổi tiếng nhất là có anh Trần Đặng Đăng Khoa đi xe máy vòng quanh thế giới trong 3 năm. Ngoài ra lục tung google lên thì mình tìm được một người có cách đi tương đối giống với định hướng của mình là chị Maya với blog Thích đi bụi. Hai người này chia sẻ rất chi tiết về chuyến đi của mình, mình đã đọc và nghiền ngẫm các bài viết của họ để tự rút ra những mẹo và kinh nghiệm cho bản thân.
Blog Thích đi bụi xứng đáng được nhiều người biết đến hơn, giao diện tuy không được bắt mắt lắm nhưng nội dung miễn chê luôn. Không chỉ học được các mẹo du lịch mà còn kiến thức về các nước, cách sống xanh…v.v…
Mình cũng tham khảo nhiều từ các hội nhóm trên FB như “Tìm bạn đồng hành du lịch nước ngoài’’, trang ”Phượt Việt Nam” và một số Youtuber phong cách đi bụi ở nước ngoài nổi tiếng như Lại Ngứa Chân, Kẻ du mục, Hà Là Lạ… Còn như anh Khoai Lang Thang, Chan lan cà, Fahoka hay Yêu máy bay… mình rất mê nhưng thiên về du lịch nhiều nên không cho vào danh sách.
Liệt kê ra mình mới để ý mảng du lịch, khám phá ở nước ngoài toàn là nam thôi, ít nữ lắm hoặc mình chưa biết tới họ hix. Mọi người biết ai gợi ý cho mình với nhé.
Các nội dung về du lịch trên Gu Gồ đang bị thống trị bởi các công ty du lịch, nội dung thì chung chung và ít yếu tố cá nhân. Đọc tham khảo thì cũng vui, nhưng trang nào cũng na ná nhau. Mình sẽ viết một bài khác chia sẻ về những blog cá nhân nội dung về gap year và du lịch bụi ít người biết đến, nhưng chắc chắn hữu ích cho những ai quan tâm. Mình tạm dừng lại mọi công việc để hoàn toàn tập trung vào hành trình này.
Mình yêu văn hóa địa phương muốn được sống, trò chuyện, ăn uống như một người bản địa thực thụ. Mình chọn đi khám phá kết hợp tình nguyện. Đây là một hình thức trao đổi giá trị, mình đổi thời gian sức lao động lấy thức ăn, nơi ăn chốn ở và cơ hội trải nghiệm văn hóa sống như người bản địa.
2. Lộ trình
Lộ trình sơ bộ của mình sẽ đi qua 11 nước Đông Nam Á (ĐNA) trước hết là ĐNA lục địa. Khi tìm hiểu về bản đồ của ĐNA mình nhận ra rằng đây là khu vực có rất nhiều đảo đặc biệt Indonesia và Philipines nên việc đi chuyển bằng máy bay là không thể tránh khỏi.
Việc di chuyển bằng máy bay không hề rẻ đặc biệt với các chặng bay quốc tế trừ khi biết săn vé. Với tiêu chí đi bụi tiết kiệm nhất có thể, đối với các nước nằm trong ĐNA lục địa mình sẽ di chuyển bằng xe bus và nhập cảnh bằng đường bộ để giảm thiểu chi phí. Đối với các đảo nếu thuận tiện sẽ di chuyển bằng tàu còn không sẽ di chuyển bằng máy bay.
Mình dự định khởi đầu từ Nam Định là quê nhà mình đang sống, sau đó đi dần vào khu vực miền trung-miền nam-miền tây sau đó sang Campuchia.
Từ Campuchia đi ngược lên Lào, sau đó nhập cảnh đường bộ Thái Lan, từ Thái Lan bay sang Myanmar rồi ngược lại Thái Lan để nhập cảnh đường bộ Malaysia, từ Malay sang Sing, Sing bay sang thủ đô Jakarta của Indo, từ Indo vào lại bang Sarawak của Malay để nhập cảnh đường bộ vào Brunei, sau đó tìm cách sang Timo leste, quay lại Sing sang Philippines và quay về VN.

Ngoại trừ Việt Nam còn lại 10 nước, mình dự kiến sẽ ở lại mỗi nước khoảng 2-3 tuần, hoặc hơn tùy theo cảm hứng. Mình sẽ có 30 ngày ở mỗi nước, ngoại trừ Myanmar chỉ miễn visa 14 ngày cho người Việt, mình đang suy nghĩ về việc sẽ xin visa Myanmar để có 30 ngày ở đây. Khi viết bài này thì mình đang ở Campuchia và tình hình chính trị ở Myanmar đang rất bất ổn. Nội chiến kéo dài và ngày càng nghiêm trọng khiến mình phải phải suy nghĩ về việc phải bỏ Myanmar ra khỏi chuyến đi này.
3. Sự chuẩn bị
3.1 Tài chính
Trở về từ Philippines mình tiết kiệm được một số tiền nho nhỏ, với cách đi bụi tiết kiệm kết hợp tình nguyện thì mình nghĩ là số tiền này sẽ đủ, phần lớn sẽ chi trả cho việc đi lại, di chuyển. Ngoài ra trong suốt chuyến đi này mình cũng có những khoản thu nhập nho nhỏ để bù thêm cho chi phí.
3.2 Sức khỏe
Sức khỏe là thứ quan trọng nhất với mình, phải khỏe thì mới tận hưởng được chuyến đi. Với tần suất di chuyển liên tục đường dài bằng xe bus, tàu lửa và máy bay thì một sức khỏe tốt là điều bắt buộc phải có. Ngoài ra đối với việc tình nguyện ở các nông trại đôi khi cần phải làm việc ngoài trời nắng, thời tiết thay đổi và thức ăn không hợp thì rất dễ bệnh.
Lường trước được điều này trước một tháng mình tập chạy bộ mỗi ngày để tăng sức bền của bản thân. Mình là một đứa may mắn khi có sức khỏe tương đối tốt, không mắc các bệnh mãn tính, một số bệnh cảm sốt thông thường cũng rất ít khi mắc. Hơn nữa mình lại là đứa dễ ăn dễ sống, ăn bờ ngủ bụi cũng không sao.
3.3 Bảo hiểm du lịch
Ngoài giấy tờ tùy thân thì bảo hiểm là thứ mình bắt buộc phải chuẩn bị trong chuyến đi này. Bảo hiểm sẽ là thứ bảo vệ bản thân mình nơi đất khách quê người, nếu chẳng may xui rủi xảy ra thì ít nhất sẽ nhận được một số tiền để bù đắp lại. Mà phí mua bảo hiểm lại không hề cao, chỉ có vài trăm ngàn cho một tháng ở nước ngoài. Đây là thứ luôn nằm trong danh sách những thứ phải có trong chuyến đi của mình.
3.4 Hành lý
Vì cần di chuyển nhiều nên mình đặt ra tiêu chí càng gọn nhẹ càng tốt. Lúc đầu mình hơi phân vân giữa vali và balo nhưng cuối cùng quyết định chọn balo. Để tiết kiệm tiền khi bay mình sẽ không mua hành lý kí gửi mà chỉ có hành lý xách tay, hầu hết các hãng hàng không sẽ cho khoảng 7kg.

Đối với vali, khối lượng vỏ khoảng 3kg mình sẽ không để được nhiều đồ, tuy không phải mang vác trên lưng nhưng lại không phù hợp di chuyển ở những địa hình không bằng phẳng. Đối với balo thì khối lượng vỏ khoảng 1kg, đựng được nhiều đồ hơn, tuy mang tới 7-8kg trên lưng nhưng biết lựa chọn balo chuyên dụng thì sẽ đỡ nặng cho vai rất nhiều, phù hợp di chuyển ở nhiều địa hình và rảnh tay để làm những việc khác
Sau khi chuẩn bị xong hành lý thì mình cân khoảng 8kg, khéo gói gém và cất vào trong người thì sẽ còn khoảng 7kg để lên máy bay. Đây là dự tính của mình hy vọng khi trải nghiệm thực sự sẽ thuận lợi lên được máy bay.
Khi lên danh sách những món đồ cần thiết mình phải đảm bảo tất cả những thứ cơ bản dụng đến là sẽ có nhưng phải tối giản và gọn nhẹ nhất có thể để tiết kiệm sức lực và tiền bạc. Mình sẽ có một bài viết chi tiết khác về tất cả những món đồ mình chuẩn bị cho chuyến đi này cùng với cách sắp xếp khoa học với chỉ một balo 30l
Chuyến đi này sẽ như thế nào, mình sẽ gặp ai và trải qua những gì? Theo dõi các bài viết khác của mình nhé.