Nội dung bài viết
Trên con đường luyện nói tiếng Anh chúng mình sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên hữu ích. Tuy nhiên tránh được những sai lầm cũng là một cách để mình học nhanh hơn và bớt chán nản hơn nữa đó. Nào, giờ thì cùng mình điểm qua 7 sai lầm mà người mới học nói tiếng Anh hay gặp phải nhé.
1. Quá kì vọng vào các khóa học và trung tâm
Như mình đã từng nhắc đến trong 1 bài viết đừng học tiếng anh ở trung tâm nếu bạn chưa biết những điều này. Tất cả trung tâm đều phải follow theo một giáo trình cố định, và giáo trình này sẽ áp dụng cho tất cả các học viên cho dù trình độ giữa các học viên là khác nhau.
Thông thường lịch học ở trung tâm là 3 buổi/tuần, 1,5h/buổi. Với thời gian ngắn như thế thì nếu không có kế hoạch tự học thêm thì tiếng Anh của bạn hầu như không thể tiến bộ.
Nếu bạn cho rằng tham gia 1-2 khóa học sẽ giao tiếp thành thạo thì lại càng bất khả thi, Thời gian trên lớp giảng viên sẽ chỉ tập trung dạy các mẫu câu, từ vựng cách diễn đạt, Các bạn sẽ có rất ít thời gian để thực hành với nhau, còn để mà được thực hành với giảng viên thì lại càng khó tại lớp đông quá.
Muốn giỏi một điều gì đó cần 3 thứ đó là kiến thức – kỹ năng – trải nghiệm. Các trung tâm, khóa học chỉ cho mình được cái đầu tiên, 2 cái còn lại phải tự mình tích lũy.
Hãy dành thời gian học ở trung tâm để tiếp thu kiến thức và luyện tập lại kiến thức đó ở nhà nhiều nhất có thể. Nói lầm bầm trong miệng là cách mình hay làm đặc biệt lúc chạy xe đeo khẩu trang, không ai nhìn mình nên nói rất thoải mái. Ngoài kiến thức ra hãy học hỏi phương pháp luyện nói của chính trung tâm hoặc giảng viên các bạn đang theo học nhé.
2. Nghĩ rằng học cái là nói được liền
Rất nhiều quảng cáo của các trung tâm tiếng Anh với nội dung như giao tiếp tiếng Anh thành thạo trong 3 tháng từ mất gốc, nói tiếng Anh như người bản xứ trong 2 tháng góp phần tô vẽ nên suy nghĩ cực kì màu hồng về việc luyện nói tiếng Anh.
Thực tế không phải như vậy vì nói là kỹ năng chủ động kết hợp nhiều kiến thức khác nhau như từ vựng, ngữ pháp, văn hóa, ngữ cảnh, phản xạ. Tất cả những điều này đòi hỏi các bạn dành đủ thời gian cho nó, hy sinh thời gian vui chơi giải trí để tập trung vào nó.
Tập kiên nhẫn với chính mình chính là chìa khóa. Thời gian đầu học nói tiếng Anh mình cực kì hứng khởi. Nhưng chính sự hứng khởi đó đắp lên quá nhiều kỳ vọng trong mình rồi dần triệt tiêu luôn khao khát chinh phục tiếng Anh của mình.
Hồi đầu mình khóc nhiều, khóc vì bản thân kỳ vọng lắm dẫn đến thất vọng nhiều. Nếu bạn đang mắc kẹt kiểu học hoài không thấy tốt lên thì hãy cho bản thân thêm thời gian và cơ hội nhé biết đâu thành quả cách mình có vài bước chân nữa thôi.
3. Học tùy hứng
Học ngoại ngữ là một kỹ năng yêu cầu thực hành đều đặn mỗi ngày. Học tùy hứng là kiểu lúc nào thích thì học, không thích thì nghỉ mai học. Còn ví dụ nào khác ngoài mình dây, mình rất hay tìm kiếm các cụm từ như “làm sao để tìm thấy hứng thú”, “làm sao để giữ được động lực học tiếng Anh” trên internet, chỉ cần xem được 1 video truyền cảm hứng là hừng hực khí thế học liền tù tì không mệt mỏi, nhưng chỉ vài ngày sau lập tức quay về trạng thái chán nản ban đầu vì học cái mà giỏi liền thì thì chúng mình là siêu nhân mất rồi.
Đây chính là chiếc video khiến mình khóc như mưa, còn trẻ còn khỏe không chịu học đi thấy ông bác này học đúng là một pha tự hủy dành cho chính mình.
Việc học tiếng Anh lúc này gián đoạn như dòng cảm hứng. Đó là lý do vì sao học hoài mà không thấy tiến bộ. Nguyên nhân là mình đặt ra mục tiêu đó quá mơ hồ, không đủ lớn để duy trì động lực trong mình, hơn hết để mục tiêu đó tác động bởi yếu tố bên ngoài.
Chẳng hạn mục tiêu sau này tôi muốn đi ra nước ngoài, tôi muốn có công việc tốt kiếm nhiều tiền. Đây là loại mục tiêu kiểu đạt được thì tốt mà không đạt được cũng chẳng sao, không giỏi tiếng Anh liền thì tuần sau, tháng sau, năm sau vẫn đi học đi làm bình thường chẳng thiệt thân đâu mà phải không.
Giải pháp hãy tìm ra cho mình một mục tiêu sống còn và chia thật nhỏ mục tiêu của mình ra. Chẳng hạn bạn đặt mục tiêu 1 tháng nữa phải nói được tiếng Anh cơ bản để đi du lịch nước ngoài thì hãy chia nhỏ và bắt đầu theo từng chủ đề như nhà hàng, khách sạn, sân bay, taxi, cứ từ từ sẽ tới đích. Và nhất định phải duy trì các bài học hàng ngày, mỗi ngày 30’ vẫn tốt hơn 1 tuần học 1 buổi 3 tiếng rồi thôi.
4. Cho rằng nghe hiểu được sẽ nói được
Luyện nghe là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng để học nói. Vì không nghe hiểu tiếng Anh thì làm sao mà trả lời được phải không. Tuy nhiên nghe chỉ là kĩ năng thụ động tức là chỉ tiếp thu thông tin từ ngoài vào, ngược lại nói là kĩ năng chủ động phải lấy kiến thức từ trong đầu ra để sử dụng
Nhiều bạn rơi vào trường hợp biết rất nhiều từ vựng, nghe người ta nói hiểu, đọc cũng hiểu nhưng không biết làm thế nào để diễn đạt. Lý do là bạn không có phản xạ nói do nói quá ít, kiến thức ở trong đầu không có cơ hội để đi ra.
Kiến thức từ vựng ở trong đầu lúc này chỉ ở dạng ghi nhớ không có khả năng sử dụng (passive vocabulary), và chúng mình phải làm sao biến nó thành kiến thức hoàn toàn hiểu và có khả năng sử dụng bất cứ lúc nào (active vocabulary)
Vậy giải pháp là hãy nói tiếng Anh nhiều nhất có thể. Đặc biệt tạo môi trường luyện nói tiếng Anh với người bản xứ, xin đi làm thêm ở những chỗ có nhiều người bản xứ, nói chuyện tiếng Anh một mình, chuyển hết suy nghĩ của mình sang tiếng Anh chẳng hạn bạn nghĩ trong đầu “Tí nữa ăn gì nhở?” thì nghĩ bằng tiếng anh sẽ là “what am I going to eat?”
Mình rất hay kiểu nghe 1 câu tiếng Viêt lập tức trong đầu sẽ suy nghĩ câu này trong tiếng Anh thì nói thế nào nhỉ? Rồi tra từ điển, tra google để tìm ra cách diễn đạt đúng rồi cố gắng sử dụng nó trong lần tiếp theo.
5. Không chú trọng học phát âm
Phát âm kém là nguyên nhân hàng đầu không thể nghe hiểu tiếng Anh. Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp xem một bộ phim hoặc một video, bạn không nghe hiểu được nhưng khi nhìn lại phần phụ đề subtilte thì ối zồi ôi: Hóa ra là từ này, mình biết từ này mà, dễ thế mà không nghe ra được.
Hơn nữa việc phát âm không chuẩn khiến người đối diện không hiểu được những gì bạn đang nói dần dà dẫn đến việc thiếu tự tin và ngại giao tiếp.
Nguyên nhân là việc học tiếng Anh trên trường không chú trọng việc dạy phát âm một cách bài bản hoặc các bạn chính những người học không có thói quen tra từ điển khi gặp từ mới và có xu hướng nhìn mặt chữ và đoán phát âm. Có thể mọi người đã biết nhưng mình vẫn recomend Oxford dictionaries tra phát âm cực kỳ uy tín theo cả giọng anh Anh và anh Mỹ
Hãy bắt đầu với bảng phiên âm 44 âm tiết trong tiếng Anh và luyện tập thật nhiều với nó. Không nhất thiết phải đến các trung tâm mới học được. Có rất nhiều video trên Youtube hướng dẫn cực chi tiết và dễ hiểu.
Với những từ mới, nên sử dụng từ điển có âm thanh để tìm cách phát âm chuẩn của nó. Luyện tập trước gương cách mở miệng đúng khẩu hình, đặt lưỡi đúng thì phát âm sẽ đúng. Hãy bắt đầu với những thứ nhỏ bé để thấy được kết quả to lớn.
6. Phải thành thạo ngữ pháp mới nói được
Nhiều bạn lo lắng ngữ pháp không tốt người ta sẽ không hiều mình nói gì. Ví từ vựng như những viên gạch và ngữ pháp là chất hồ dính để kết nối những viên gạch với nhau. Ngay cả khi những viên gạch không có chất hồ dính thì xếp chồng lên nhau chúng vẫn trở thành một bức tường cơ mà. Vậy nên đừng bao giờ để ngữ pháp là lý do ngăn cản việc luyện nói của bạn.
Hồi mới học tiếng Anh với giáo viên bản xứ mình nói tiếng Anh ngữ pháp tùm lum, lắm khi chỉ ghép từ vựng đơn lẻ lại rồi theo trường phái không ngữ pháp luôn. Giáo viên bản xứ họ rất nice, cố gắng nghe hiểu mình rồi diễn đạt lại một câu đúng để mình bắt chước theo. Cứ xài đi xài lại câu đó đầu mình dần sẽ hình thành một phản xạ tự nhiên gặp trường hợp tương tự là bật ra được ngay không cần phải nghĩ.
Tin vui là nếu bạn đã có một chút ngữ pháp tiếng Anh thì mình thực sự muốn nói là bạn đã đi được nửa đường rồi đó. Chỉ cần dành thời gian luyện tập và học cách diễn đạt suy nghĩ thì việc giao tiếp tiếng Anh thành thạo chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
7. Cố gắng ghi nhớ từ vựng mà không tìm cách sử dụng
Mình tin là có nhiều bạn đã từng học từ vựng giống mình kiểu chép từ vựng ra giấy thành 2 cột, 1 cột tiếng Anh, 1 cột tiếng việt và đặt mục tiêu mỗi ngày phải thuộc 20-30 từ. Nhưng hỡi ôi chỉ sau 1 tuần, 1 tháng là đống từ vựng đó dắt tay nhau bỏ đi hết.
Việc chỉ cố gắng ghi nhớ mà không áp dụng vào thực tế vừa nhanh quên lại không thể áp dụng vào việc nói. Con đường lâu không đi, cỏ sẽ mọc lên không còn nhận ra đó là con đường nữa, việc học từ vựng cũng vậy.
Việc ghi nhớ 20-30 từ vựng mỗi ngày không có ý nghĩa bằng việc bạn hiểu được cách dùng của 1 từ duy nhất như các dạng từ của từ đó, các từ giới từ đi kèm hay nghĩa của từ đó trong các ngữ cảnh khác nhau
Chẳng hạn mỗi lần mình học 1 từ tiếng Anh cách chi tiết tức là hiểu dạng từ và ngữ nghĩa thì chỉ cần ai đó bất ngờ nhắc đến, hoặc mình tự nhiên đọc ở đâu đó thì thôi rồi mình sẽ không bao giờ quên nó.
Hãy học bằng việc xem phim và video, đặt từ vựng bạn đã học vào một ngữ cảnh cụ thể để bất cứ khi nào gặp lại từ vựng đó bạn sẽ nhớ lại ngữ cảnh và biết cách sử dụng đúng
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây. Nếu có bất cứ câu hỏi hay chia sẻ nào hãy comment xuống dưới cho mình biết nhé.
Chúc các bạn vui với việc học tiếng Anh, sớm ngày trở nên thật pro nhé
See yaa