Nội dung bài viết
Với đam mê đi đây đi đó thì nửa năm vừa rồi mình có trải nghiệm cực kỳ thú vị bằng việc tự mình thử tìm kiếm các cơ hội làm việc ở nước ngoài sau khi ra trường. Mình hướng đến các công việc văn phòng, tuyển dụng trực tiếp với công ty chứ không phải kiểu xuất khẩu lao động qua các công ty môi giới.
Mình cũng chẳng mong đợi tìm được một công việc lương cao hay phát triển sự nghiệp gì sau này. Tất nhiên với cái tiếng Anh ỉa chảy của mình cộng với kinh nghiệm làm việc thực tế mỏng hơn tờ giấy thì làm gì có sự lựa chọn. Nếu pass được thì mình sẽ đi với tâm thế trải nghiệm học hỏi là chính. Và thị trường mình hướng tới là Đông Nam Á (ĐNA).
1 Chuyện tìm việc nước ngoài (P1)
Nghe đi ra nước ngoài làm việc chắc chắn mấy bồ liên tưởng tới Anh, Úc, Mỹ, châu Âu,… mấy nước giàu giàu mà phát triển chứ ở mấy nước ĐNA thì làm ăn cái gì.
Mình nghĩ ĐNA phù hợp với mình vì hai lý do một là đầu vào các công việc ở đây không yêu cầu quá cao, hai là gần Việt Nam, văn hóa có sự tương đồng dễ thích nghi hơn lại phong phú hứa hẹn rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Nghe thì lạ đấy nhưng thị trường việc làm tại ĐNA lại rất sôi động, sau mấy tháng tìm hiểu thì mình biết được mấy điều sau đây.
1.1 Campuchia, Philippines
Gần đây mấy tin về người lao động bị lừa sang Campuchia rất phố biển, mình không bàn luận đến vấn đề này. Mình biết được hai thị trường này thường xuyên tuyển người Việt ở các mảng casino, gambling, cá cược. Mặc dù ở VN là bất hợp pháp nhưng ở 2 nước này hoàn toàn hợp pháp.
Chẳng thế mà thị trường việc làm ở đây cực kỳ sôi động, số lượng tuyển nhiều và đãi ngộ hấp dẫn không kém, lương ít nhất cũng tới ngàn rưỡi đô. Sinh viên mới ra trường không dễ để có được mức lương này.
Phần lớn các công ty loại này đều do người Hoa làm chủ và khách hàng tập trung vào thị trường TQ nên nếu biết tiếng Trung thì rất nhiều cơ hội.
1.2 Singapore
Tiếp theo đến con rồng của Châu Á. Như mình tìm hiểu thì để được cấp visa làm việc hợp pháp tại Sing thì công ty phải trả cho người lao động ít nhất 2200 đô Sing
Tuy nhiên để đạt được mức lương này thì mấy bồ phải là kiểu không phải dạng vừa đâu, chưa kể mỗi công ty chỉ được tuyển hạn chế số lượng lao động nước ngoài mình nhớ không nhầm là dưới 15% tổng số nhân viên để đảm bảo việc làm cho người bản địa.
Tóm lại để làm được ở Sing hợp pháp thì yêu cầu mình phải có tay nghề cao, kỹ năng cứng mềm đầy đủ, ngoại ngữ thành thạo chưa kể ngoài người Sing bản địa ra phải cạnh tranh với mấy ông TQ, Ấn Độ,… nữa.
1.3 Malaysia
Như không phải ai cũng biết Malaysia cực kỳ mạnh về mảng BPO đại loại như là một công ty bên thứ 3 được thuê để thay công ty chính làm tất tần tật công việc liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, trả lương.
Các công việc này thì thường liên quan đến chăm sóc khác hàng, kiểm duyệt nội dung hoặc marketing.
Tính chất công việc rất phù hợp cho sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm hoặc người đã đi làm muốn gap time vì không yêu cầu cao chỉ cần tốt nghiệp đại học/cao đẳng và tiếng Anh cơ bản là làm được vì công ty sẽ đào tạo từ đầu.
Tại sao lại tuyển người Việt? Vì mình biết tiếng Việt và sẽ làm cho thị trường VN. Lương trả cho các vị trí này cũng không tệ trên dưới 1000USD
Túm cái váy lại bạn nào mới ra trường muốn trải nghiệm sống ở Malaysia ít nhất 1 năm, chưa quá quan trọng xây dựng sự nghiệp thì rất nên tìm hiểu về thị trường BPO ở Malaysia.
Một số Blog các bạn có thể tham khảo để tìm hiểu về công việc, cách apply, trải nghiệm sống và làm việc ở Malaysia:
1.4 Lào và Myanmar
Hai nước này kinh tế chưa phát triển bằng Việt Nam nên thị trường lao động cho người nước ngoài cũng không phát triển lắm.
Công việc chủ yếu liên quan đến IT và Marketing. Lao động nước ngoài muốn đãi ngộ tốt thì chỉ nên làm cho công ty đa quốc gia còn các công ty bản địa thì lương tương đương thậm chí không bằng ở VN.
1.5 Thái Lan và Indonesia
Đối với Thái Lan và Indo cũng có mảng BPO nhưng không phát triển bằng Malaysia. Công việc tập trung vẫn là IT và Marketing tuy nhiên ưu tiên hơn lao động biết tiếng bản địa.
Ngoài ra số lượng tuyển lao động nước ngoài cho các công ty bản địa không nhiều. Nếu không phải dạng chuyên gia thì lương như ở VN chưa kể phải trả rất nhiều chi phí khác như thuế, tiền nhà, sinh hoạt,…. Nhưng nếu đi để trải nghiệm là chính thì cũng đáng mà nhỉ?
Chốt lại về thị trường lao động cho người nước ngoài ở Đông Nam Á:
– Sinh viên mới ra trường ít kinh nghiệm nên tìm hiểu thị trường BPO ở Malaysia.
– Dạng chuyên gia/specialist nhiều kinh nghiệm thì nên tìm hiểu việc làm ở Singapore, mà thực ra đi đâu cũng được săn đón hết.
– Giỏi tiếng trung có thể tìm hiểu thị trường ở Philippines.
– IT hoặc Marketing giỏi + ngoại ngữ → Bất tử
Có thể bạn quan tâm:
Học tiếng anh online với giáo viên bản xứ với học phí siêu hạt dẻ
2 Chuyện tìm việc nước ngoài (P2)
Như đã đề cập ở P1 với background tốt nghiệp “trường làng”, tiếng anh ải chỉa, kinh nghiệm làm việc mỏng như giấy thì mình thấy Malaysia hoàn toàn phù hợp với định hướng ban đầu của mình. Thực ra nguyện vọng ban đầu của mình không phải là Malaysia là mà là một quốc gia khác mình sẽ đề cập ở phần sau.
Hồi tháng 8-9 mình đã có tổng cộng 5 buổi phỏng vấn với 4 công ty khác nhau, 3 trong số đó là công ty BPO. Hai công ty ở vị trí chăm sóc khách hàng (Cs) và 1 công ty là kiểm duyệt nội dung (Cm).
Quy trình phỏng vấn diễn ra rất nhanh ngay sau khi mình vượt qua vòng CV, thậm chí nếu sáng phỏng vấn đậu thì chiều có phỏng vấn vòng hai và ngày hôm sau có offer luôn.
Hai vị trí Cs mình đều được phỏng vấn với các anh chị trưởng nhóm người Việt, có phỏng vấn bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh nhưng nhìn chung là không khó.
Mặc dù mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm ở mảng Cs nhưng mình phỏng vấn khá trôi và mang tâm lý rất thoải mái kiểu được thì được mà không được thì thôi, phỏng vấn cốt để lấy trải nghiệm. Mình pass hai công việc này với offer khoảng 4000 ringit tương đương khoảng 20tr

Nếu tìm hiểu kỹ thì thì các bạn sẽ biết mức lương này không hề cao cho lao động nước ngoài chưa kể phải gánh rất nhiều thuế và chi phí. Chính vì thế sau khi nhận được offer mình đã đắn đo xem có nên đi không.
Cùng lúc này mình nhận được tin tuyển dụng của một công ty H rất lớn trong ngành Logistics tại Malaysia.
Đây là một cơ hội rất lớn với mình vì mình tốt nghiệp Logistics và vừa mới bắt đầu đi làm. Môi trường này sẽ không chỉ giúp mình học hỏi nhiều điều mà cực kỳ lợi thế cho sự nghiệp trong tương lai. Thế là bỏ qua 2 offer Cs mình apply cho công ty H với 1% cơ hội haha.
Mình vượt qua vòng Cv thì có lịch phỏng vấn liền ngày hôm sau. Mặc dù là công ty lớn nhưng chỉ phỏng vấn một vòng duy nhất với quản lý, mình thấy hơi lạ có vẻ họ đang cần người gấp.
Có thể mấy bồ không biết dân số Malaysia gồm 3 thành phần chính là người Malay bản địa, người gốc Ấn và người gốc Hoa. Chuẩn bị sẵn tinh thần người phỏng vấn là người Ấn mà mấy bồ biết rồi đó tiếng anh Ấn là một cái gì đó nằm ngoài tầm nghe hiểu của đại chúng.
Không ngoài dự đoán, phỏng vấn mình là hai người phụ nữ, một người gốc Hoa và một người gốc Ấn, ác mộng bắt đầu từ đây khi mình trở nên hoàn toàn điếc khi nghe họ nói tiếng Anh.
Mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần là tiếng anh Ấn rất khó nghe, mặc dù ở công ty cũ có vài lần mình được nói chuyện trực tiếp với người Ấn, nhưng lần này đúng là gục ngã thật sự. Mình chỉ bắt được từ khóa và nương theo câu trả lời của một bạn phỏng vấn chung hôm đó để phản hồi họ.
Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ 30 phút so với thông báo 1 tiếng, câu hỏi nhìn chung khá dễ ngoài việc mình đã gần như không nghe hiểu họ.
Thời gian nộp CV và phỏng vấn diễn ra rất nhanh nhưng thời gian chờ đợi kết quả thực sự mệt mỏi, 1 tuần 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng mà cứ ngỡ như là cả thế kỷ bởi vì mình đã từ chối hai công ty kia rồi, lỡ mà mình có tạch cái công ty này thì mình vừa tiếc mà lại vừa mất công ứng tuyển lại từ đầu vào công ty khác.
Cuối cùng là không có câu trả lời nào cả, họ nói họ đã đóng tuyển dụng rồi nhưng mình ngầm hiểu là mình đã tạchhhhh chứ còn gì nữa huhu. Thực ra mình không quá bất ngờ mà đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cái sự tạch này. Mình đoán là do Cv của mình chưa đủ mạnh: sinh viên mới ra trường – kinh nghiệm làm việc quá ít.
Thế thôi được phỏng vấn với công ty lớn cũng coi như một thành tựu rồi. Mình lại bắt đầu lại bằng việc nộp CV và phỏng vấn với quyết tâm ra nước ngoài bằng được. Còn tiếp……
Có thể bạn quan tâm:
Chuyện tìm việc nước ngoài (P2)